Múa rối là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống có từ lâu đời của các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam, nó ra đời và tồn tại cùng với nền văn minh lúa nước từ thời các vua Hùng dựng nước.Song dấu ấn của nghệ thuật múa rối nước còn lại đến ngày nay mà chúng ta nhận biết được là vào đời vua Lý Nhân Tông năm 1121, trên bia Sùng Thiện Diên Linh đặt tại chùa Long Ðọi, xã Đội Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Văn bia chùa Đọi có ghi nhân dân biểu diễn các trò diễn Rối nước để mừng thọ Vua. Do điều kiện tự nhiên và công việc nông nghiệp của người dân Việt Nam gần gũi và gắn bó với nước, chính những người nông dân chân lấm tay bùn này đã sáng tạo ra nghệ thuật Rối nước. Họ thường tổ chức diễn vào những ngày việc đồng áng tạm xong, ngày xuân, những ngày mở hội. Người Pháp gọi môn nghệ thuật này với những con rối duyên dáng là "Linh hồn của đồng ruộng Việt Nam" và đánh giá: "Với sáng tạo và khám phá.
Rối nước đáng được xếp vào những hình thức quan trọng nhất của Sân Khấu Múa Rối". Phương thức nhờ nước để con rối hoạt động, nhờ nước giấu đi bộ máy và cách điều khiển là sáng tạo tuyệt vời. Nước làm cho con rối sinh động, làm cho chúng tươi tắn. Nước đã tham gia cùng diễn với con rối như một nhận xét: "Nước cũng là một nhân vật của múa rối". Mặt nước như êm ả với đàn vịt bơi, trở nên thơ mộng trong làn khói huyền ảo khi bầy tiên nữ giáng trần múa hát. Nhưng mặt nước cũng sôi động trong những trận chiến lửa, những con rồng vây vàng xuất hiện. Báo Pháp viết: "Con rối được điều khiển bằng sự khéo léo khó mà tưởng tượng. Con rối như có phép thuật điều khiển". Đấy chính là sự tài tình, là điều hấp dẫn và sáng tạo của nghệ thuật Múa rối nước. Trước kia, rối nước chỉ diễn vào ban ngày, ở ngoài trời. Không thấy sân khấu gắn bó hòa quyện với phong cảnh thiên nhiên như rối nước. Giữa thiên nhiên thơ mộng, khán giả có cơ hội chiêm ngưỡng một loại hình nghệ thuật trong đó có đất, nước, cây xanh, mây, gió, có lửa, có khói mờ vương tỏa, có cả mái đình với những hàng ngói đỏ... Thật sự là một sự hòa hợp độc đáo của nghệ thuật, thiên nhiên và con người. Lịch sử Múa rối Việt Nam ghi nhận hai loại hình chính là Múa rối cạn và Múa rối nước. Rối cạn gồm nhiều hình thức như: Rối tay, Rối que ở Đồng Minh (Hải Phòng), Tế Tiêu (Hà Tây), Rối dây, Mộc Thầu Hý ở Cao Bằng, Bắc Thái. Riêng Rối nước là loại hình dân gian độc đáo, chỉ có duy nhất ở Việt Nam.
Nguồn: Nhà hát Múa rối Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét