8/10/2013

Hướng dẫn cúng rằm tháng 7

Cúng rằm tháng bẩy không giống như cúng giao thừa. Cúng gia tiên ở trong nhà trước sau đó mới cúng chúng sinh ở ngoài sân.
1. Cúng Gia tiên trong nhà
Chuẩn bị: Mâm cơm, canh, rượu, thịt gà (bò, lợn) nhưng không để nguyên cả con, mà đặt vào các đĩa, tùy theo gia cảnh.
Hoa quả tùy theo, tiền vàng: mỗi cụ 5 lễ, và một bộ quần áo, giày dép, đồ dùng.v.v..
(Nên ghi rõ vào đồ mã và khấn rõ tên vong linh và gửi những gì cho họ để họ nhận đúng).
Khi hóa mã phải khấn 
Con xin thiêu hóa tiền vàng, quần áo, vật dụng cho Hương linh là:...................
Thỉnh hương linh nhận chút lễ bạc.
Tâm thành kính cáo tôn thần rước hương linh về âm giới.
2. Cúng chúng sinh ở ngoài sân 
Lễ vật để vào một cái mâm, đặt lên ghế ở ngoài sân gồm có:
- Cháo (có thể mua cháo ăn liền về đổ nước sôi để đỡ tốn thời gian), nhưng nên cho ra các bát đĩa bằng nhựa, cúng xong bỏ đi luôn, không nên dùng.
-  Bỏng ngô: vài đĩa.
-  Bánh đúc hoặc khoai lang: vài đĩa.
-  Kẹo bánh: một vài đĩa.
-  Gạo muối: một đĩa.
-  Quần áo các màu xanh đỏ vàng tím, hoặc giấy màu cũng được.
Khi tàn nén hương, hóa vàng và rắc gạo muối về 4 hướng  khấn :
Tín chủ xin thiêu hóa tiền vàng, quần áo thỉnh mời các vong linh nhận hưởng lễ vật xong rồi, dắt nhau về âm giới.
Tâm thành kính cáo Tôn thần, xin rước vong linh về âm giới./. 
3. Văn khấn lễ gia tiên ngày rằm tháng bẩy
Nam mô A di đà Phật!
Kính lạy Tổ tiên nội ngoại và chư vị hương linh
Tín chủ con là : ……………… ; …….tuổi.
Cùng toàn gia trú tại địa chỉ: …………………………………………..
Hôm nay là ngày ……, nhân tiết rằm tháng bẩy năm 2014.
Gặp tiết Vu lan vào dịp Trung nguyên, nhớ đến Tổ tiên, ông bà (cha mẹ) đã sinh thành ra chúng con, gây dựng cơ nghiệp, xây đắp nền nhân, khiến nay chúng con được hưởng âm đức. Do vậy chúng con nghĩ đức cù lao đời đời khôn báo, cảm công ơn trời bể khó đền. Chúng con sửa sang lễ vật, hương hoa kim ngân và các thứ lễ nghi bày trước linh tọa.
Thành tâm kính mời: Các Cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá thúc huynh đệ, cô dì, tỷ muội và các hương hồn trong nội tộc, ngoại tộc của họ: …………
Cúi xin thương xót cho con cháu, linh thiêng giáng về linh sàng, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù độ cho con cháu khỏe mạnh bình an, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long, hướng về chính giáo.
Tín chủ cũng xin tâm thành kính thỉnh: Các vị Ngũ phương, ngũ thổ long mạch, Tiền hậu địa chủ Tài thần, các vị y phụ thảo mộc phảng phất trên đất này. Nhân lễ Vu lan giáng tới linh tọa, chiêm ngưỡng tôn thần, hâm hưởng lễ vật, độ cho tín chủ muôn sự bình an, sở cầu như ý.
           Tín chủ con xin trải tấm lòng thành, cúi xin chứng giám./.
                             Cẩn cáo


4. Văn khấn lễ chúng sinh ngày rằm tháng bẩy
Nam mô A di đà Phật!
Kính lạy : Địa tạng vương Bồ tát
Đức Mục Kiền Liên tôn giả
Kính lạy: Đương xứ Thành Hoàng, Hành khiển  thổ địa - Phúc đức chính thần vị tiền. Ngũ phương long mạch - Tiền hậu địa chủ, Tiếp dẫn Tài thần vị tiền.
Hôm nay là ngày rằm tháng bẩy năm 2014.
Tín chủ con là : …………………; ……. tuổi.
Cùng toàn gia trú tại địa chỉ : …………………………………………………..
Thành tâm kính xin:
Nhân ngày xá tội vong nhân, âm cung mở cửa ngục, cho phép các vong linh cô hồn không nơi nương tựa, không mồ không mả, lẩn khuất ở gốc cây bụi cỏ, đầu đường, cuối chợ, không manh áo mỏng, đêm ngày lang thang, quanh năm đói rét cơ hàn, dù rằng chết vì bất cứ lý do gì, đều được về đây thụ hưởng lễ vật của tín chủ thỉnh mời: Cơm canh, cháo bỏng, trầu cau, gạo muối, quả thực hoa đăng tiền vàng, quần áo đủ màu xanh đỏ. Phù độ cho tín chủ và toàn gia mạnh khỏe, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long, khử tai trừ ách, lành mang đến, dữ mang đi, mọi mưu vọng đều thành toàn như ý.
- Khi hương cháy được 2/3 thì tín chủ khấn câu sau:
Tín chủ thiêu hóa tiền vàng, y phục, xin mời vong linh nhận hưởng lễ vật xong rồi, dắt nhau về âm giới.
Tâm thành kính cáo Tôn thần, xin rước vong linh cô hồn về âm giới./.
                                                                                           Cẩn cáo

8/08/2013

Lễ cầu Duyên

Lễ cầu giáng linh vào vật cát tường tác thành duyên phận
(Khát khao cháy bỏng sẽ có hiệu ứng hiện hình)
Vật cát tường này và các lễ vật khác nên bày ở Ban Mẫu, nhưng bài khấn này có thể dùng chung cho các ban khác ( Ban Công đồng, ban cô cậu, ban Phật,....), khi lễ ở các ban khác, nếu không chuẩn bị được lễ vật thì đặt giọt dầu, hoặc tiền công đức.
1. Lễ vật
- Hoa quả : tùy theo mùa, nhưng nên có màu vàng, xanh,  đỏ, tím, và màu trắng.
- Tiền vàng: 5 lễ.
- Trầu cau: 1 quả cau 3 lá trầu.
- Một bánh chưng, một bánh dày và một đôi bánh xu xê.
- Vật cát tường bức tranh hoặc đôi Uyên ương.
- Sớ cầu giáng linh.
2. Bài khấn cầu duyên
Nam mô A di Đà phật ( 3 lần)
Con lạy chín phương Trời, con lạy mười phương Phật
Hôm nay, ngày:.....tháng.....năm 2010 (tính theo âm lịch).
Con tên là:………………….; tuổi……
Kính cẩn khánh bái:
Chư Phật mười phương, Tứ phủ công đồng Thánh đế, Mẫu đệ nhất thiên tiên, Mẫu địa nhị thượng ngàn, Mẫu đệ tam thủy cung, cập chư Tiên đồng Tây Hồ phủ.
Hôm nay, con có chút lễ vật mọn dâng bày, cung thỉnh chư vị Phật, Chư Thánh, Chư Mẫu lai lâm chứng giám.
Kính tấu Phật Thánh, Chư mẫu, Chư Tiên, trong trời đất có đạo âm dương giao hòa, hóa sinh vạn vật, đạo nhân sinh có nam có nữ, đến tuổi thì tác thành đôi lứa vợ chồng. Nhờ ơn Trời Phật Thánh Mẫu và phúc ấm Gia tiên.
- Con tên là:…………………
- Trú tại số nhà:……Phố……………….Phường…………..Quận………Hà nội.
Hiện chưa tìm được ý trung nhân xứng đôi vừa lứa, mong gặp cảnh ngộ tương đồng tương cảm, cá nước duyên ưa, nảy sinh cảm tình chân thành, mong muốn sớm được xum họp một nhà.
 Con khấu đầu thành tâm cầu xin chư Phật, Thánh, Tiên, Mẫu bản phủ lai lâm chứng minh chứng giám phù độ gia trì vun bồi tình cảm, tác duyên tạo phúc cho con gặp may mắn tác thành đôi lứa, cho con sở cầu tình duyên xuôi chèo mát mái, để đi đến cuộc hôn nhân như nguyện ước. 
Con là người trần, nghĩ sao thưa vậy, chỉ mong Phật Thánh Mẫu chứng minh chứng giám xin có tờ giấy cánh sớ dâng bày.
CHỮ HÀM (HÒA HỢP)
Nhân đây con cũng bái xin Phật Thánh Tiên Mẫu, giáng linh vào đôi uyên ương cát tường này để con mang về làm vật cát tường may mắn, hồi hướng ân đức của Phật, Thánh, Mẫu bên cạnh con, dẫn đường chỉ lối, phù độ cho con có tình duyên được vuông tròn như nguyện. Cho con gặp người tâm đầu ý hợp, thành vợ thành chồng, con cái đông đủ, thuận hòa sống với nhau đến trọn đời.
Kính lạy Chư vị Phật Thánh Tiên Chúa, các Mẫu chấp lễ chấp cầu ban phúc giáng linh vật cát tường cho chúng con, chúng con không dám quên ơn tạ lễ.
Tín chủ con: ……………….con xin rập đầu bái đến trăm lạy.
Gần hết tuần hương thì có thể lễ tạ bằng bài khấn này. 
Sau khi tổ chức lễ cưới, cuối năm nên đi lễ tạ ơn./.


8/07/2013

Lễ cúng Giao thừa

Giao thừa là thời khắc mà trời đất giao hoà, âm dương hoà quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới. Đối với người Việt Nam phút giao thừa thật thiêng liêng và trang trọng. Lễ Trừ tịch được cử hành đúng vào lúc giao thừa(hết giờ hợi ngày 30 sang giờ Tý mở đầu ngày Mồng một Tết). Theo phong tục của người Việt Nam từ cổ xưa, tại thời điểm giao thừa nhà nhà đều cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà.
A. LỄ CÚNG GIAO THỪA NGOÀI TRỜI
Ý nghĩa:

Người xưa tin rằng: mỗi năm có một vị hành khiển trông coi việc nhân gian, hết năm thì vị thần năm cũ lại bàn giao công việc cho vị thần năm mới, nên phải cúng giao thừa ở ngoài trời để tiễn đưa thần năm cũ và đón rước thần năm mới. có 12 vị hành khiển và 12 phán quan (phán quan là vị thần giúp việc cho các vị hành khiển). Mỗi vị làm một năm dưới dương gian và cứ sau 12 năm thì lại có sự luân phiên trở lại. vương hiệu của 12 vị hành khiển và các phán quan là:
  1. Năm Tý: Chu Vương Hành Khiển, Thiên Ôn hành binh chi thần, Lý Tào phán quan.
  2. Năm Sửu: Triệu Vương Hành Khiển, Tam Thập lục thương hành binh chi thần, Khúc Tào phán quan.
  3. Năm Dần: Ngụy Vương Hành khiển, mộc tinh hành binh chi thần, tiêu tào phán quan.
  4. Năm Mão: TrịnhVương Hành khiển, thạch tinh hành binh chi thần, liễu tào phán quan.
  5. Năm Thìn: Sở Vương Hành khiển, hoả tinh hành binh chi thần, biểu tào phán quan.
  6. Năm Tị: Ngô Vương Hành khiển, thiên hao hành binh chi thần, hứa tào phán quan.
  7. Năm Ngọ: Tần Vương Hành khiển, thiên mao hành binh chi thần, ngọc tào phán quan.
  8. Năm Mùi: Tống Vương Hành khiên, ngũ đạo hành binh chi thần, lâm tào phán quan.
  9. Năm Thân: Tề Vương Hành khiển, ngũ miếu hành binh chi thần, tống tào phán quan.
  10. Năm Dậu: Lỗ Vương Hành khiển, ngũ nhạc hành binh chi thần, cự tào phán quan.
  11. Năm Tuất: Việt Vương Hành khiển, thiên bá hành binh chi thần, thành tào phán quan.
  12. Năm Hợi: Lưu Vương Hành khiển, ngũ ôn hành binh chi thần, nguyễn tào phán quan.
Chú ý: trong các bài văn khấn giao thừa khi dâng hương ngoài trời đều khấn danh vị của các vị quan hành khiển cùng các vị phán quan nói trên, năm nào thì khấn danh vị của danh vị của quan hành khiển năm ấy.

Chuẩn bị lễ:

Lễ cúng giao thừa ngoài trời gồm: hương, hoa, đèn nến, trầu cau, quần áo, mũ thần linh và mâm lê mặn. với thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng. Tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà.
Mâm lễ cúng giao thừa giao thừa phải được chuẩn bị chu đáo, trang trọng với lòng thành kính. Vào đúng thời điểm giao thừa,' người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rồi khấn vái trước án.
Văn khấn có thể viết vào giấy để đọc, sau khi hết 3 tuần hương thì hoá tờ giấy viết văn khấn cùng vàng mã dâng cúng.
VĂN KHẤN GIAO THỪA NGOÀI TRỜI
Nam mô a di đà phật!
Nam mô a di đà phật!
Nam mô a di đà phật!
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
- Con kính lạy Đức Đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật
- Con kính lạy HoàngTthiên, Hậu Thổ, chư vịTtôn thần.
- Con kính lạy Ngày Cựu niên Đương cai Hành khiển.
- Con kính lạy Đương niên Thiên quan (năm nào khấn danh vị của vị Hành khiển năm ấy) năm 2010 các Ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long Mạch, Táo quân, chư vị Tôn thần.
Nay là phút giao thừa năm 2010
Tín chủ (chúng) con là:…………..............
Ngụ tại số nhà:…………...............................................
Giao thừa chuyển năm 2010
Năm cũ qua đi, Năm mới đã
đến, Tam dương khai thái, Vạn tượng canh thân. Ngài Thái Tuế Tôn thần trên vâng lệnh thượng đế giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh, tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều cửa khuyết, lưu phúc, lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc nhân ngày đầu xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sắm sửa hương hoa phẩm vật dâng lên trước án, cúng dâng phật thánh dâng hiến Tôn thần, đốt nén hương thơm, thành tâm bái thỉnh.
Chúng con kính mời: ngài cưu niên đương cai Ngài Tân niên đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần; ngài bản cảnh thành hoàng chư vị dại vương, ngài bản xử thần linh thổ địa, phúc đức chính thần, các ngài ngũ phương, ngũ thổ, long mạch tài thần, các bản gia táo quân và chư vị thần linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin các vị giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho gia chúng con luôn luôn mạnh khoẻ, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hoà thuận, làm ăn phát đạt.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin chứng giám, Phù hộ độ trì.
Nam mô a di đà phật!
Nam mô a di đà phật!
Nam mô a di đà phật!
GIAO THỪA LÀ GÌ?
Theo từ điển Hán Việt của Ðào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ, mới này, có lễ trừ tịch.
+ Lễ trừ tịch 
Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt đầu qua năm mới. Vào lúc này, dân chúng Việt nam theo cổ lệ có làm lễ trừ tịch. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để "khu trừ ma quỷ", do đó có từ "trừ tịch". Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên còn mang tên là lễ giao thừa. 
+ Cúng ai trong lễ giao thừa 
Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới. Lễ giao thừa được cúng ở ngoài trời là bởi vì các cụ xưa hình dung trong phút cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương luôn có quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì. Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. 
+ Sửa lễ giao thừa 
Người ta cúng giao thừa tại các đình, miếu, các văn chỉ trong xóm cũng như tại các tư gia. Bàn thờ giao thừa được thiết lập ở giữa trời. Một chiếc hương án được kê ra, trên có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có thêm chiếc mũ của Ðại Vương hành khiển. 
Ðến giờ phút trừ tịch, chuông trống vang lên, người chủ ra khấu lễ, rồi mọi người kế đó lễ theo, thành tâm cầu xin vị tân vương hành khiển phù hộ độ trì cho một năm nhiều may mắn. Các chùa chiền cũng cúng giao thừa nhưng lễ vật là đồ chay. Ngày nay, ở các tư gia người ta vẫn cúng giao thừa với sự thành kính như xưa nhưng bàn thờ thì giản tiện hơn, thường đặt ở ngoài sân hay trước cửa nhà. 
+ Tại sao cúng Giao thừa ngoài trời 
Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có trí như quan toàn quyền. Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật...Trái lại, gặp phải ông lười biếng, kém cỏi, tham lam thì hạ giới chịu mọi thứ khổ. 
Các cụ hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được) thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì. Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà Trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. 
Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.. 
+ Lễ cúng Thổ Công 
Sau khi cúng giao thừa xong, các gia chủ cũng khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà. Lễ vật cũng tương tự như lễ cúng giao thừa. 
+ Mấy tục lệ trong đêm trừ tịch 
- Sau khi làm lễ giao thừa, các cụ ta có những tục lệ riêng mà cho đến nay, từ thôn quê đến thành thị, vẫn còn nhiều người tôn trọng thực hiện.
- Lễ chùa, đình, đền: Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình và nhân dịp này người ta thường xin quẻ thẻ đầu năm. 
- Kén hướng xuất hành: Khi đi lễ, người ta kén giờ và hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp may mắn quanh năm. 
- Hái lộc: Ði lễ đình, chùa, miếu, điện xong người ta có tục hái trước cửa đình, cửa đền một cành cây gọi là cành lộc mang về ngụ ý là "lấy lộc" của Trời đất Thần Phật ban cho. Cành lộc này được mang về cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô. 
- Hương lộc: Có nhiều người thay vì hái cành lộc lại xin lộc tại các đình, đền, chùa, miếu bằng cách đốt một nắm hương, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về cắm và bình hương bàn thờ nhà mình.Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt được lấy từ nơi thờ tự về tức là xin Phật, Thánh phù hộ cho được phát đạt quanh năm. 
- Xông nhà: Thường người ta kén một người "dễ vía" trong gia đình ra đi từ trước giờ trừ tịch, rồi sau lễ trừ tịch thì xin hương lộc hoặc hái cành lộc ở đình chùa mang về. Lúc trở về đã sang năm mới và ngưòi này sẽ tự "xông nhà" cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình. Nếu không có người nhà dễ vía người ta phải nhờ người khác tốt vía để sớm ngày mồng một đến xông nhà trước khi có khách tới chúc tết, để người này đem lại sự may mắn dễ dãi.
VĂN KHẤN GIAO THỪA
1- Văn khấn gia tiên: ( Cúng giao thừa trong nhà trước, nếu có thờ Ông bà )
- Kính nghe: 
Tổ đức vĩnh thùy thiên tải thịnh
Gia phong hàm lạc tứ thời xuân.
Nhân tiết giao thừa năm Tân Mão, tử tôn chúng con là:…………………….. 
cung nghinh tiên tổ hồi giáng gia đường, chứng giám lòng thành, thụ kỳ lễ vật, khuôn phù gia nội đắc bình an.
Con nhất tâm bái thỉnh:
Bản cảnh Thành hoàng đại vương, Truy hồn sứ giả, thiếp phách quan quân, trì phan đồng tử, dẫn lộ tướng quân, bản gia thổ địa, bản xứ long thần tiếp dẫn vong linh chư vị gia tiên … (đọc tên những người thờ phụng) lai đáo gia đường, chúng minh công đức. Duy nguyện, chư tôn hiền thánh, khứ tự xuy phong, lai như xiết điện, bảo hộ tiên tổ giang phó gia đường, duy nguyện: tổ tiên giám cách, nguyện than phục chỉ, hiếu phụng xuân thu, giáng phó gia đường, chứng minh công đức.
Con nhất tâm bái thỉnh:
Cao cao chi tổ, viễn viễn chi tông, thúc bá đệ huynh, cô di tỷ muội, bà cô ông mãnh; Hữu danh vô vị, hữu vị vô danh, đẳng đẳng sảnh linh, trùng trùng quyến thuộc, phục hồi gia nội, tả hữu phân ban, thượng hạ trung bàn, chứng minh công đức.
Con nhất tâm bái thỉnh.
Gia tiên bản phái, nội ngoại túc thanh, hương kỳ phần đại anh hiền, hoặc văn thư lễ, hoặc lược điền viên, pong thanh thụ lập, văn vọng lưu truyền, dư thanh đồng cảm, thức lễ mặc khiên, khí số chung linh, tài năng tế mỹ.Nguyện giáng gia đường, chứng minh công đức.
Con nhất tâm bái thỉnh:
Gia trung phụng tự, tứ thời bát tiết, liệt vị tôn linh:
Cung thỉnh:
(thờ ai thì đọc tên người đó kèm theo chữ :chân linh vị tiền).
Duy nguyện: tử tôn bất thác, bảo hộ tử tôn, giang phó gia đường thụ tử cúng dàng.
Khất cầu:
Tiên tổ phù trì, tôn linh bảo hộ chúng tôn, xuân lai cát khánh, hạ đáo bình an, thu miễn tam tai, đông nghinh bách phúc, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an.( hết )
2-KHẤN GIAO THỪA NGOÀI TRỜI : ( Văn khấn cúng giao thừa )
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
- Kính nghe:
Năm cũ đã hết kính cẩn tiễn đi
Năm mới vừa sang hân hoan rước đến!
Vào thời giao thừa, giờ Tý, mồng Một tháng Giêng năm Tân Mão, khánh đản Đức Di Lặc Tôn Phật.
Nay đệ tử chúng con: ............................................
Tại (địa chỉ): ....................................................................................
Kính mừng tiết Nguyên Đán đã đến, làm lễ trừ tịch, sửa soạn hương, hoa, đăng, trà, quả, thực hiến cúng giao thừa.
Nam mô Đương Lai Giáo Chủ Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật.
Nam mô Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.
Nam mô Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Từ Đại Bi Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.
Nam mô Hộ Pháp Thiện Thần Chư Thiên Bồ Tát.
Cung tống cựu niên:
Canh Dần niên, Ngụy Vương hành khiển.
Tam thập lục phương chi thần, Khúc Tào phán Quan.
Cung nghinh tân niên:
Tân Mão niên, Trịnh Vương hành khiển
Mộc tinh chi thần, Khúc Tào phán quan.
- Cẩn cáo:
Tôn thần bản gia, Thổ công địa chủ, Ngũ phương vạn phúc phu nhân.
Bản gia Đông Trù tư mệnh Táo phủ thần quân.
Bản xứ Thổ địa phúc đức chính thần.
Ngũ phương long mạch, Tiền hậu địa chủ tiếp dẫn Tài thần, Hỷ thần các vị tôn thần cùng chân linh gia tiên nội ngoại, lai lâm án toạ, chứng giám lòng thành, thụ tư cúng dàng.
- Khấn nguyện:
Gia hộ toàn gia an lạc, bốn mùa không hạn ách nghĩ lo, tám tiết hưởng vinh quang phúc thọ, hoạ đi phúc đến, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
- Kính mong: 
Chứng giám lòng thành ân chiêm vạn vọng.
Đệ tử đồng gia kính lễ.
VĂN KHẤN GIAO THỪA TRONG NHÀ ( Trong nhà) 
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Đức Đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật. 
- Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy Long Mạch, Táo Quân, Chư vị tôn thần. 
- Con kính lạy Tỗ Tiên nội ngoại, Chư vị Tiên linh
Nay phút giao thừa năm Tân Mão.
Tín chủ chúng con tên là:……………………………………. 
Ngụ tại:………………………………………………………………………………. 
Phút giao thừa vừa tới, giờ tý đầu xuân, đón mừng nguyên đán, tín chủ chúng con thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật dâng lên trước án, cúng dâng Phật Thánh, Dâng hiến Tôn thần, tiến cúng Tổ tiên, đất nén tâm hương, thành tâm kính lễ.
Chúng con kính mời: Ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương, Ngài Bản xứ thần linh Thỗ địa, Phúc đức chính thần, các ngài ngũ phương ngũ thổ, Long mạch Tài thần, các bản gia Táo quân, và các chư vị thần linh cai quản ở xứ này. Cúi xin các vị giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Con lại kính mời các cụ Tiên linh cao tằng tỗ khảo, Cao tằng tổ tỷ Thúc Bá Huynh đệ, Cô Dì, Tỷ Muội, nội ngoại Gia tộc, Chư vị Hương linh, các vong linh hữu vị vô danh cúi xin giáng về linh sàng thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ, y thảo thụ mộc, ngụ tại đất này, nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Cúi xin các vị phù hộ độ trì cho toàn gia chủ chúng con năm mới tốt lành, sức khỏe dồi dào, tấn tài tân lộc, vạn sự tốt lành, vạn điều như ý.
Cầu cho mưa thuận gió hòa 
Quanh năm tươi tốt trái hoa ngợp trời
Con tàu vượt biến xa khơi 
Một miền thông thoáng bầu trời bình yên. 
Đất nước sinh nhũng tài hiền 
Một thời trỗi dậy lên tiên, thành rồng.
Cầu xin: Con cháu Lạc Hồng
Thiên tài xuất chúng rạng bung đất trời
Ở giữa thiên hạ ngời ngời
Tâm phục khẩu phục nhiều đời vang xa.
Đi ra không thua người ta
Ở nhà yên ấm hợp hòa tinh thương
Bước lên ở trốn chính trường
Ngửng nhìn thiên hạ, thẳng đường tiến ra.
Cầu xin sức khỏe ông bà 
Quanh năm vui vẻ cửa nhà ấm êm
Mọi người đi sớm về đêm 
Dù đi hải ngoại, dù lên bầu trời
Dù ra biển cả xa vời
Dù trèo rừng núi, dù bơi dưới hầm
Nắng mưa lao lực dãi dầm
Bình yên vô sự, trong tầm chở che. 
Mùa đông cho tới mùa hè 
Kinh thương phát đạt mua ghe bán tàu
Anh em gắn kết cùng nhau
Chung lưng gánh vác xây cầu đắp sông.
Kính xin Thượng Đế vui lòng 
Ban cho thỏa nguyên như trong lời cầu! 
Cầu xin Bồ Tát trên đầu
Ở bên che chắn nhiệm mầu hiển linh
Cầu xin Thần Thánh anh minh
Ra tay cứu giúp chúng sinh lỡ lầm.
Câu xin vong vị lai lâm 
Mọi nơi nâng đỡ, thành tâm cứu người
Cầu xin Tiên Tổ muôn nơi
Phù trì bảo hộ suốt đời cháu con!
Thay lời ước nguyện nước non ?
Con xin kính cẩn lòng son kính ngài! 
Chúng con lễ bạc tâm thành, nhất tâm kính lễ, cúi xin phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!


8/06/2013

Thủ tục cử hành Tang lễ

(Rất cần người chủ sự có khả năng tổ chức để điều hành công việc)

         Đặt bát cơm, quả trứng và đũa bông, thắp hương trầm thơm, máy trợ niệm mua ở trước cửa Chùa Quán Sứ, bên cạnh và bỏ 2 lá vàng, lá bạc (có dập chữ phúc, lộc, thọ) vào miệng người mất, liên hệ chuyển vào nhà lạnh nhà tang lễ Thành phố.
A/ TRƯỚC KHI NHẬP QUAN
1. Chuẩn bị:
- Nước thơm gồm: Gừng tươi, bưởi, bồ kết, ngải cứu, hương nhu, thì là, tía tô, bồ kết     (mua nhiều 1 chút vì còn phải đốt xông cả các phòng sau khi tang lễ kết thúc). 
- 1 Bộ quần áo mới của người chết gồm áo may ô, áo sơ mi, quần lót, quần âu, áo vest,   giầy, thắt lưng, cà vạt, 02 đôi bít tất mới. 
- Bộ chân kim: miếng vàng, bạc có chữ phúc, lộc, thọ.
- Bộ trang điểm: phấn, son. 
- Vải trắng (loại vải đám tang, để phủ lên người chết, làm khăn tang).  
- Xô trắng (nếu thuê dịch vụ tang lễ thì không cần chuẩn bị). 
- Đá khô, 02 Kg chè khô, hoa nhài khô, hoặc cafe (để vào trong quan tài )
- Bộ chắn (Tổ tôm).
- Bông (nút hậu môn, tai, mũi).
- Tiền lẻ (loại 1000,2000 để vài tờ vào linh cữu).
- Liên hệ với nhà Chùa hoặc Thầy xem ngày giờ nhập quan, giờ hạ huyệt.
- Liên hệ đội kèn trống.
- Hai lễ hoa quả, tiền vàng, 07 nến cốc màu đỏ, 5000 vàng Tứ phủ.
- Bàn chải đánh răng, gương, lược, nước hoa, kính lão, quần áo, giầy guốc, máy cạo       râu.v.v...
2. Lập ban thờ: (Không dùng dịch vụ nhà tang lễ)
- Bàn thờ làm bằng gỗ mộc, phủ khăn trắng, hoặc màu vàng tùy theo già, hay trẻ.
- Rèm che bằng vải voan nilon cho đẹp.
- Tấm kính nhỏ 3 li 30 x 40 mm đặt ở đáy bát hương.
- 2 cây chuối nhỏ, 2 lọ cắm hoa cúc (nghiêm cấm dùng hoa huệ ), 2 bát hương có cốt bộ chân kim (bát hương), 1 bát để trên linh cữu, 1 bát để ở bàn thờ), 1 di ảnh, 1 bộ giá đũa 10 đôi, 1 mâm ngũ quả gồm, 3 ly nước nhỏ có giá, 2 cây đèn nến.
- 1 thùng các tông (để đựng hương đến viếng), 1 chậu nước (để nhúng hương),1 thùng các tông nhỏ (đựng phong bì viếng) 01 mâm để khăn tang, áo xô, nến cốc to 1 thùng, nến cốc nhỏ 1 thùng. 
3. Đồ tang: (Có thể mua dịch vụ tại nhà tang lễ)
- Nhớ tính theo số người: Trai, gái, dâu, rể, cháu, chắt..,(tính đủ, nếu không chuẩn nên lấy thiếu, cần lấy thêm, kiêng không lấy thừa).
- Cáo phó 3 - 5 tờ dán ở những nơi cần thiết.
- Sổ tang lễ 1 quyển (ghi danh sách những cá nhân, tổ chức đến viếng), đĩa (dâng lễ), phong bì trắng 1 tập, bút bi 3 chiếc, băng đen nhựa phù hợp với số lượng người thân trong gia đình, 1 tập băng đen nilon đen cho khách, 1 Micro, bộ âm thanh, loa.
- Nếu tổ chức tại nhà tang lễ Thành phố và nhà tang lễ Bộ quốc phòng thì không cần.
- 1 người đứng túc trực ở cửa ra vào phát nén hương cho trưởng đoàn khách đến viếng, 2 người đỡ hoa, tiếp khách; 2 người trực ở bàn tang lễ để ghi sổ, đọc thông báo khách vào viếng, yêu cầu giọng nói truyền cảm trầm ấm. 
- Bàn ghi sổ tang.
01 Sổ tang để ghi lại tình cảm của quan khách đối với người đã khuất, 02 bút, 02 ghế. 
4. Dịch vụ:

- Liên hệ thuê, phông, bạt, bàn ghế, thu dọn nhà cửa (nếu không thuê được hội trường).
- Trà mạn, nước sôi, 2 cây thuốc lá, bật lửa, hãm trà, pha trà, rót nước mời khách.
- Trầu cau mời nên để 2 bà đảm nhiệm việc tiêm trầu, kết hợp 2 thanh niên pha trà.
- Phục vụ nấu nướng là công việc cực kỳ quan trọng, nếu thuê được thì thôi, không thuê được thì cắt cử người lo. 
Chú ý: Thời gian sau khi chết của người chết rất quan trọng, nên  làm cơm chay, thông báo cho khách biết để họ thông cảm, tuyệt đối tránh sát sinh để tăng công đức cho người chết sớm được siêu thoát và sinh vào cảnh giới tốt…Tuy nhiên người miền bắc thì hiếm khi là ma chay (mặc dù cái từ ma chay là của Miền Bắc), mâm cỗ cố gắng sử dụng càng ít động vật càng tốt. Ví dụ: Rau luộc, canh nấm, nộm (hoặc Salat), bò xào cần tỏi, giò ( giò chay có thể cho vào), gà. Hoặc theo di nguyện người chết là làm cỗ chay thì cứ thế mà làm.
B/ CỬ HÀNH TANG LỄ
2.1 Chuẩn bị 
Theo Đạo phật, con người sau khi trút hơi thở cuối cùng, nhưng tâm thức vẫn tồn tại. Vậy không được di rời người vừa chết, chỉ được di dời từ sau 8 tiếng. Nghĩa là người chết thì để nguyên, phủ khăn lên, chờ sau 8h kể từ lúc chết mới được tắm rửa thay đồ, cho miếng vàng, bạc, ngọc vào miệng người chết, bỏ 1 túi muối và 1 túi gạo vào túi áo người chết. 
- Gia đình để lại 1 người túc trực bên người chết (Người trong gia đình) để người chết không thấy lạnh lẽo, người túc trực bên linh cữu thực hiện công việc trợ niệm, chỉ cần đọc Nam Mô A Di Đà Phật theo tiếng đài trợ niệm là được rồi. 
Chú ý: Nhớ kiểm tra xem phần cuối cùng còn ấm người chết là bộ phận, vị trí nào trên cơ thể. Điều này để biết người chết sẽ đầu thai vào cảnh giới nào.

2.2 Nhập quan
- Mời Sư thầy đến làm lễ Siêu sinh Tịnh độ, cả nhà làm theo hướng dẫn của sư thầy (sắm lễ, viết sớ nếu cần). 
- Di chuyển người chết nhập quan. 
- Để toàn toàn bộ vật dụng đầy đủ người chết, bộ chắn hoặc tổ tôm, tiền lẻ, đá khô, 02 kg chè khô, hoa nhài khô, hoặc cafe vào áo quan, tư trang, v.v..
- Con trai trưởng, hoặc con thứ (không phạm nhị hợp, hay tam hợp) cầm áo chạy từ ngoài vào hú (03 lần) kêu to “Ba hồn bảy vía …., xin về nhập quan”
- Sau khi đóng nắp áo quan cử người gọi điện về cho người ở nhà thắp (nam) 7 - (nữ)9 nén hương trên ban thờ 49 ngày (Chính thức phát tang). 
C/ LỄ VIẾNG, TRUY ĐIỆU VÀ ĐƯA TANG
- Đại diện BTC sẽ đứng bên Micro đọc tên từng đoàn khách từng gia đình, bạn bè gần xa, thân bằng cố hữu,v.v.. sau khi đã đăng ký vào viếng.
-  Các con cháu đứng xếp hàng ngay ngắn trước bàn thờ, bên linh cữu.
- 2 người đứng ở 2 bên, 1 người chịu trách nhiệm đỡ lễ đặt lên bàn thờ, 1 người đưa cho khách, hoặc trưởng đoàn 1 nén nhang vào viếng. 
Lưu ý: Việc phải đáp lễ rất mệt nên gia quyến người mất nên cắt cử thay phiên để không bị kiệt sức, thi thoảng vào trực linh cữu và vẫn trợ niệm để linh hồn người chết không thấy lạnh lẽo.
- Lễ truy điệu và đưa tang: Trước giờ đưa tang khoảng 20 phút BTC cử người thay mặt gia quyến đọc điếu văn và lời cảm ơn khách đến viếng.
- Dù là tang gia bối rối phần đón tiếp cũng không quá xơ xài, ngoài 02 người đã bố trí việc trà nước, nên bố trí thêm ít nhất 02 người tiếp chuyện, hướng dẫn khách chỗ ngồi uống nước. 
- Chuẩn bị đến giờ an táng, toàn bộ gia quyến người chết tập trung bên linh cữu, làm theo hướng dẫn của BTC lễ tang.
- 1 Người ngồi ở ghế đầu xe tang (nên là người ngoài gia tộc): rắc vàng thỏi, tiền dọc đường đi. 
- Số lượng thanh niên khiêng linh cữu, chuyển vòng hoa ra xe tang.., xe tang đi chậm khoảng 30 - 50 mét khi dừng xe, tang chủ vái lạy và cảm ơn khách tiễn đưa.
- Chuẩn bị đồ lễ tại ban thần linh nơi an táng.
- 2 đến 3 thùng nước Lavie  nhỏ mời khách đi dự lễ an táng tùy theo thời tiết và số lượng khách.
- Sau lễ an tàng quay về nhà và làm lễ cúng phục hồn 3 ngày.

- Gia quyến tập trung trước bàn thờ, làm theo hướng dẫn của sư thầy.
 Lưu ý:
- Trong suốt quá trình tang lễ không nên khóc lóc thảm thiết như thế sẽ làm người chết lo lắng, lưu luyến không siêu thoát được. Cúng ngày, cúng tuần, 35, 49 ngày (mâm cơm, gạo, muối, lát gừng và nước sạch). 
- Trong suốt 49 ngày cố gắng (không chỉ định sát sinh không nghe tiếng kêu của các sinh vật lúc chết, không ăn). Nếu như ăn hàng làm sẵn rồi, thì được. Tuy nhiên hạn chế tối đa việc sát sinh để tăng phúc cho người chết được sinh vào cảnh giới tốt. Bật máy trợ niệm kinh phật theo hướng dẫn của sư thầy.


8/04/2013

Nghệ thuật uống trà Huế

Trước hết, uống trà theo kiểu cung đình Huế thì phải có một bộ đồ trà đúng kiểu.
Một chén trà nâng mời bạn bè, một chén trà trò chuyện tâm giao, thú uống trà đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc của người dân Việt Nam cũng như của nhiều dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, tuỳ theo nếp sống, văn hoá của từng dân tộc mà người ta thưởng thức trà với nhiều phong cách và phương thức khác nhau. Trong chén trà mở đầu câu chuyện chung ấy, với riêng Huế, uống trà là một nghệ thuật với bao sự sắp đặt công phu và cả những nghi thức của một vùng văn hoá. Trước hết, uống trà theo kiểu cung đình Huế thì phải có một bộ đồ trà đúng kiểu . Không phải chỉ có một bộ đồ trà dùng cho suốt cả 4 mùa mà kiểu cách uống trà của Huế còn thể hiện ở chỗ có bốn loại chén trà dành cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Người Huế uống trà theo mùa còn gọi là thời trà. Trong bộ đồ trà ấy, những chén Tống, chén quân, dầm, bàn … đều có những qui định riêng,chức năng riêng. Người Huế uống trà như là một hình thức lễ nghi, dẫu uống một người ( còn gọi độc ẩm ), hai người ( còn gọi đối ẩm ), ba người, bốn người hay nhiều người ( còn gọi quần ẩm) thì mọi thao tác vẫn được giữ nguyên, kể cả những cung cách pha trà, rót trà, nâng ly trà. Về nguyên liệu chỉ có hai loại đó là trà và nước. Nhưng chỉ riêng hai nguyên liệu này cũng đã có hàng ngàn trang viết. Sự cầu kỳ, công phu ở đây không bút mực nào tả xiết,  từ việc hái chè xanh ở hướng nào, giờ nào, cách ngắt ngọn ra sao, người thiếu nữ hái chè để móng tay dài bao nhiêu, cho đến việc ngâm tẩm, phơi, sao khô là cả những qui trình nghiêm ngặt. Cho nên mới có những câu chuyện về Trảm mã trà ( Trà ngựa ), Hầu trà ( Trà khỉ), Trùng điệp trà ( trà sâu), Tiên khai trà ( Trà tiên) … Nước để pha trà cũng có những câu chuyện dài, nước mưa hứng từ đâu , nước giếng thì giếng phải sâu như thế nào, nước suối thì lấy ở đoạn nào: đầu nguồn, giữa nguồn hay cuối nguồn …. Sự công phu ấy cho thấy trà không đơn thuần là một thức uống mà người ta đã lồng vào đó bao công sức và tâm huyết để nâng lên thành một nghệ thuật. Ở Huế còn lưu truyền câu chuyện hứng sương trên lá sen để lấy nước pha trà , còn trà thì được bọc trong hoa sen để có hương thơm tự nhiên. Đun nước để pha trà cũng là một nghệ thuật . Để có một bình trà ngon, nước đun sôi chỉ ở dạng sủi tăm, nước sôi già quá sẽ làm trà nhanh chín, hương thơm không còn. Tinh tế đến như thế thì người uống trà cũng phải có một tâm hồn nhẹ nhàng , luôn hướng đến những vẻ đẹp của đất trời, của con người thì mới thẩm thấu hết hương vị của chén trà. Cũng như nhiều quốc gia uống trà khác trên thế giới, thú uống trà của người Huế có xuất phát từ cung đình. Từ cung đình ra dân gian, tính chất nghi lễ và sang trọng giảm dần nhưng cái hồn của thú thưởng thức trà vẫn được giữ nguyên, bạn bè uống cùng nhau chén trà để tăng thêm tình thân thiết.
Dẫu không uống tại lầu son, gác tía như các bậc vua chúa, quan quyền nhưng trong không gian đơn sơ, dân dã, chén trà vẫn được chủ nhân nâng hai tay mời bạn, khách và chủ đều tôn trọng nhau, chén trà vì thế vẫn nặng tình, nặng nghĩa.Trong thú uống trà của người Huế, có một điều đặc biệt là luôn đi kèm với một loại bánh đặc sản của Huế đó là các loại bánh in làm bằng hạt sen, đậu xanh, hoặc bằng bột nếp được gói bằng giấy màu ngũ sắc của Huế. Những ngày Tết, người Huế còn có thêm món mứt gừng. Đón chén trà nóng từ tay bạn hiền trao, nếm lát mứt gừng Kim Long nổi tiếng có vị ngọt ,hơi cay nồng ấm thế là như thấy cả một mùa mùa xuân đang về trong đất trời và trong cả lòng người. Thú vui uống trà bây giờ đã trở nên phổ biến trong đời sống của nhiều người dân Huế từ già đến trẻ. Người ta tìm thấy một sự tĩnh tâm, lắng đọng khi uống trà. Trong không gian xanh mướt của những ngôi nhà vườn xứ Huế, con người được giải toả khỏi những áp lực công việc, tìm thấy chính mình trong sự tĩnh lặng và sâu sắc mà hương vị chén trà đem lại. Đó chính là ý nghĩa cuối cùng của thú uống trà mà nhiều người đã chiêm nghiệm và thu nhận lại cho chính mình, làm giàu có đời sống tinh thần của bản thân và cũng là của vùng đất Huế.
Theo tập san Văn hóa Huế