8/04/2013

Sự tích Táo Quân

Thờ cúng táo quân ở Việt Nam nên như thế nào cho phù hợp với phong tục người Việt Táo Quân là ai?  “Táo” là bếp, “Quân” là vua, “Táo Quân” là vua bếp. “Táo Quân” là nhân dân gọi tắt từ “Định Phúc Táo Quân”. Thực ra, trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam Táo quân bao gồm ba vị thần: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Trong đó Thổ Kỳ là nữ thần (Hai ông một bà). Sự tích “hai ông một bà” được truyền khẩu trong nhân dân như sau:   “Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao do giận quá mất khôn mà nhẫn tâm đánh vợ mạnh tay. Thị Nhi do sợ hãi và cảm thấy tủi nhục nên bỏ nhà ra đi không quay về nữa. Sau đó, Thị Nhi gặp Phạm Lang và bằng lòng làm vợ Phạm Lang, hai người sống với nhau cuộc sống thanh bình, hạnh phúc. Trong khi đó, sau khi vợ bỏ đi không về, Trọng Cao mới thấy ân hận không nguôi, nên khăn gói đi đi tìm vợ, tiền bạc đem theo đều đã tiêu hết, nhưng với quyết tâm phải tìm cho bằng được Thị Nhi, nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Không ngờ khi lang thang xin ăn, Trọng Cao vô tình đã đến nhà Thị Nhi. Hai bên nhận ra nhau. Hiểu rõ tình cảnh, Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà cho ăn uống và nghe Trọng Cao hàn huyên về nỗi gian nan của mình, Thị Nhi đâm ra ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang. Trong lúc hai người đang tâm sự thì Phạm Lang đột ngột từ ngoài đồng trở về nhà để lấy tro bếp bón ruộng, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Vì nhà hết tro, nên Phạm Lang phải ra đốt rơm để lấy tro bón ruộng mà không hay biết có Trọng Cao trốn trong đống rơm.Trọng Cao lại sợ ảnh hưởng đến Thi Nhi, nên không dám chui ra, đành chấp nhận chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao vì mình mà chấp nhận chết thiêu, nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang không hiểu sự tình, gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ. Linh hồn của ba người do trong sạch nên được siêu thoát về trời để làm thần thánh. Ngọc Hoàng cảm động với câu chuyện ân tình của ba người, đồng thời cũng thương cảm về cái chết của họ, và xét thấy thấy ba người tuy có lỗi, nhưng đều là những con người có nhân nghĩa, nên đồng ý cho ba người cùng sống chung một nhà. Tuy nhiên do quan niệm phong kiến lạc hậu cổ xưa, dân tộc người Việt có chế độ phụ tử hệ, việc một bà hai ông là chuyện chưa từng có ở Thượng giới, nên khó có thể chấp thuận, do đó Ngọc Hoàng quyết định chỉ sắc phong cho làm Táo Quân trông coi đời sống gia đình của con người ở hạ giới, chỉ ban áo mũ mà không ban quần..,”.Danh hiệu của ba vị được gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc riêng rẽ: Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp lửa, bát cơm manh áo, danh hiệu là: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc long mạch đất đai nhà cửa, danh hiệu là: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc tiền bạc, chợ búa, danh hiệu là: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần Ghi chú: Đây cũng là lý do vì sao cái kiềng lại có ba chân, hay nói cách khác là “đầu rau ba người”. Do đó bà con chú ý, nếu cái kiềng (cái để kê nồi trên ngọn lửa) dù là bếp củi hay bếp than, bếp ga… đều phải chọn loại ba chân, không chọn bốn chân là đính vào chữ “tử” kiêng kỵ. Thờ cúng Táo Quân như thế nào? Theo tục lệ cổ truyền của người Việt hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình hạ giới với Ngọc Hoàng Thượng đế. Và đến đêm Giao thừa Táo Quân mới quay trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình trong năm mới. Vậy ngày 23 tháng chạp thực chất có ý nghĩa gì? Theo các nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng, câu chuyện dân gian về mối quan hệ của ba vị táo quân tạo nên một bộ tam tài đặc biệt, biểu tượng bằng quẻ Ly gồm hai hào dương một hào âm, theo tiên thiên bát quái thì quẻ ly thuộc phương Đông, theo hậu thiên bát quái thì quẻ ly thuộc phương Nam, ứng với Trung nữ, và quẻ ly ứng với hỏa trong ngũ hành. Ngày 23 tháng Chạp được soạn giả Vũ Tuấn Anh cho rằng: “là phép du niên phiên tinh ngày, tính theo tháng. Ngày của sao Ngũ Hoàng nhập trung theo chu kỳ cửu cung. "Vạn vật qui ư thổ" hay nói theo thuyết Âm Dương Ngũ hành thì đây chính là ngày kết thúc chu kỳ của Ngũ Hành vào tháng cuối cùng trong Năm. Kết thúc chu kỳ Ngũ hành vào ngày 23, đồng thời cũng là kết thúc chu kỳ của 64 quẻ Dịch. Hành thổ thuộc trung cung thuộc ngôi Hoàng cực chi phối Ngũ Hành - Theo Lý học Đông phương - thuộc về Hoàng tộc, nên là ngày của Vua Bếp - Táo Quân về trời”. Ở đây, tôi xin mạn phép bàn một chút về “nên” hay “không nên” ? Tục truyền thì như tôi đã tổng hợp ở phần trên. Câu chuyện Táo Quân tuy mang sắc thái duy tâm, nhưng cũng chưa hẳn là không có cơ sở. Cụ thể là các nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng dân tộc cũng đã đưa ra được những chứng lý làm cơ sở chứng minh. Tuy nhiên hiện tại trong nhân dân có thể nói là hỗn độn về thờ phụng. Ở Miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn bị ảnh hưởng khá nhiều, hay nói cách khác là bị nhầm lẫn với việc thờ cúng Ngũ vị tài thần trong văn hóa tín ngưỡng của Trung Hoa với Ngũ vị tài thần của người Việt. Ngoài ra còn bị nhầm lẫn giữa lý thuyết Phật giáo và lý thuyết của Đạo Cao Đài. Đa số các gia đình đều tách Thổ địa ra ghép với thần tài để cúng dưới đất, ở một góc nhà ngoảnh mặt ra cửa chính.  Như vậy có nên chăng? Thần cai quản đất đai không có nghĩa là phải nằm dưới đất mới là thần đất? Một số gia đình cũng cho rằng đã là vua bếp thì phải thờ ngay tại bếp. Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Tuy tên gọi là Táo, nhưng nhiệm vụ của ba vị thần Táo đâu chỉ có cai quản cái bếp không thôi, mà sự cai quản của Đinh phúc Táo quân bao gồm cả long mạch, đất đai, nhà cửa, tài lộc và sự bình yên trong sinh hoạt của của một gia đình. Mỗi gia đình chỉ nên có một bàn thờ duy nhất ở nơi trang trọng và tôn nghiêm trong nhà. Bởi vì ba vị Táo quân là một bộ “Tam tài thần” của người Việt Nam, nếu tách riêng Thổ Địa để ghép với Thần tài của văn hóa Trung Hoa, thì ví như quẻ hào Ly bị biến động bất an, gia đạo có thể gặp điều chẳng lành? - Tôi phản đối các thầy chùa hiện nay, đã có hành vi cố ý lợi dụng sự mê muội của chúng sinh để kiếm tiền, tuyên truyền không đúng với lý thuyết đạo Phật. Đồng thời làm lộn phèo tín ngưỡng thuần Việt. Dẫn đến văn hóa Trung Hoa có cơ hội lấn át văn hóa Việt. Tôi cũng không bằng lòng với các Nhà văn hóa Việt Nam hiện nay, chưa làm hết vai trò và trách nhiệm của một Nhà văn hóa. Thậm chí đôi khi còn sĩ diện bản thân, viết lách thường tránh né chuyện thờ cúng, hoặc chỉ nói sơ qua, để tránh tiếng là duy tâm, mê tín, cốt chỉ giữ danh dự cho bản thân mà không lương đến tai họa xã tắc. Thậm chí có người còn hám việc viết sách để kiếm tiền, đưa cả những thứ văn hóa Ta, Tàu lẫn lộn vào trong bài viết. Hai nguyên nhân trên gộp lại, đã khiến cho nhân dân ngày càng trở nên ngu muội quá đà trong các trò mê tín dị đoan của các thầy chùa, mà trở nên khốn đốn, nô lệ cho các trò cúng bái tốn kém bạc triệu, bạc tỉ. Họa đó đã khiến cho non sông xã tắc mấy năm gần đây lắm điều bất ổn định. Tôi thấy đã đến lúc, ngành văn hóa cần phải viết lại sách về phong tục tập quán thuần Việt một cách có bàn bạc, cẩn thận, chi tiết và có chú giải rõ ràng sự tích, để nhân dân được tỉnh táo, thông thái trong việc duy trì phong tục tập quán dân tộc. Trở lại chuyện Táo Quân, theo phong tục tập quán của người Việt, khi trong nhà có đại sự, giỗ chạp…thì gia chủ cần phải thắp hương khấn “Thổ Công - Hà Bá” từ hôm trước để xin phép ba vị “Táo Quân” trông coi gia đạo nhà mình để xin phép cho Tổ tiên nhà mình được về hưởng lộc của con cháu dâng lễ.  Lập bài vị và bát hương thờ thần Táo: Đã thờ là tối thiểu nghi lễ phải có bài vị, bát hương và vật phẩm thờ cúng (gồm hương, đăng, hoa, quả, nước). Phấn nghi lễ, tôi sẽ nói cụ thể ở bài “Bày trí bàn thờ của người Việt” sau. Ngoài ra thờ Táo quân thì cần thêm ba hũ gạo – muối – nước bày hang ngang phía trước bát hương. Vị trí của “Định Phúc Táo Quân” – cần đặt ở nơi cao nhất của bàn thờ chính trong gia đình. Trên một bàn thờ, cao hơn phía sau đặt bài vị thờ ba vị tam tài Thổ Công, Thổ Địa, Thổ kỳ. Vị trí thấp hơn phía trước đặt bài vị thờ gia tiên; hoặc gia đình khá giả có thể tách riêng rường thờ thành hai phần. Bên trái rường thờ (cao hơn) thờ Ngũ vị tài thần của người Việt gồm Hoàng Thiên (là vua cai quản vùng trời của một Quốc gia); Hậu Thổ (là vua cai quản vùng đất lãnh thổ của một quốc gia) và ba vị Định phúc táo quân là thần bản gia. Bài vị: “bài” là cái thẻ bằng gỗ mỏng hay bằng giấy cứng có viết chữ trên đó, “vị” là vị trí, chỗ đứng. Bài vị là một miếng gỗ hoặc một mảnh giấy, hay có thể là một khung hình có ghi tên vị thần, hoặc tên tuổi gia tiên mà mình có ý đồ thờ phụng. Bài vị thần nào, gia tiên nào, đặt ờ phía sau bát hương vị đó, để xác định danh tính cho vị Thần, Gia Tiên được thờ phụng. Bài vị, còn gọi là “Thần chủ”. Bài vị thờ Táo quan thường ghi tên ba vị thần Táo là “Đông trù tư mệnh táo phủ thần quân, Thổ địa long mạch tôn thần, Ngũ Phương ngũ thổ phúc đức chính thần”. Hai bên bài vị thờ Táo Quân thường có hai câu đối liễn: Hữu đức năng tư hỏa Vô tư khả đạt thiên (Có đức trông coi việc lửa Vô tư có thể lên trời.) Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân - Ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần- Thổ địa long mạch tôn thần Lễ vật cúng trong ngày 23 tháng chạp thì cần thêm: - Ba cái mũ đỏ; Ba bộ áo dài đen Táo Quân. Cá chép và vàng mã: Có thể cúng tranh cá chép hoặc cá chép sống đều được, tuy nhiên bà con cần chú ý: Nếu cúng tranh cá chép thì bức tranh đó phải có vẽ ngọn thác vũ môn và được đốt cùng áo mũ, tiền vàng; Nếu cúng cá chép sống thì phải đem cá sau khi cúng xong, mà thả lại cần đến một nơi có sông suối có dòng nước chảy để cá chép có thể bơi được theo dòng.


(Theo Phong tục Việt nam)

Không có nhận xét nào: